Tài khoản con rối Wikipedia:Tài_khoản_con_rối

Cộng đồng Wikipedia đánh giá cao việc sử dụng sự đồng thuận để đưa ra các quyết định, và giả thiết rằng hầu hết mọi người đều đang cố gắng giúp dự án. Các tài khoản con rối được sử dụng để chống lại các đặc tính này bằng cách ngụy tạo sự ủng hộ lớn hơn cho một quan điểm và lảng tránh các biện pháp trừng phạt.

Mọi hình thức sử dụng tài khoản con rối đều bị cấm và là đối tượng của các biện pháp nghiêm khắc nhằm bảo vệ từ điển bách khoa khỏi các hành động của các tài khoản này. Việc sử dụng tài khoản rối thường dẫn đến các biện pháp trừng phạt đối với tài khoản chính, thường là cấm tài khoản hoặc cấm vĩnh viễn trong các trường hợp đặc biệt.

Bỏ phiếu hoặc các hình thức ủng hộ khác

Wikipedia sử dụng nguyên tắc "mỗi người một phiếu" đối với tất cả các cuộc biểu quyết và các cuộc thảo luận tương tự khi lựa chọn của các cá nhân được tính đến. Do đó, tài khoản con rối có thể được sử dụng nhằm ngụy tạo thêm ủng hộ đối với một quan điểm. Việc này bao gồm bỏ phiếu nhiều lần trong mỗi cuộc biểu quyết, hoặc dùng nhiều hơn một tài khoản khi thảo luận.

Bên cạnh việc bỏ phiếu kép, các tài khoản rối còn có thể được sử dụng để lừa dối, đánh lạc hướng, hoặc ngụy tạo cảm giác về một sự ủng hộ của số đông đối với một quan điểm nào đó.

Lách luật

Các quy định của Wikipedia áp dụng cho từng người, không phải cho từng tài khoản. Các quy định như quy tắc 3 lần hồi sửa áp dụng cho các đóng góp của mỗi người. Tài khoản chính sẽ bị phạt khi bạn sử dụng một tài khoản thứ hai nhằm vi phạm các quy định. Việc dùng tài khoản con rối nhằm tránh các hình phạt của cộng đồng sẽ dẫn đến việc bị phạt lại từ đầu và có thể còn bị phạt dài hơn, cũng như có thể khiến các đóng góp của bạn bị tiêu hủy.

Bù nhìn rơm

Đó là khi trong một thảo luận, thành viên dùng tài khoản chính để tranh luận cho quan điểm này và lập một tài khoản phụ ("tài khoản bù nhìn rơm") để tranh luận cho quan điểm đối lập. Tài khoản bù nhìn sẽ tranh luận một cách vô căn cứ, phi lý hoặc xúc phạm, đưa ra các lập luận yếu mà các "đối thủ" có thể dễ dàng bác bỏ. Điều này có thể giúp họ tạo những lập luận bù nhìn rơm. Cuối cùng, thảo luận có thể được lay chuyển sang quan điểm của tài khoản chính, giúp chủ rối thắng cuộc.

Tránh bị xét nét

Không nên dùng các tài khoản thay thế để soạn thảo theo cách mà nếu thực hiện từ một tài khoản sẽ được coi là không đứng đắn. Dùng nhiều tài khoản nhằm tách lịch sử đóng góp sẽ khiến người khác không thể theo dõi được mô thức đóng góp của bạn. Việc này chỉ hợp lệ trong vài trường hợp (xem mục #Tài khoản thay thế hợp lệ). Dùng nhiều tài khoản nhằm lừa dối hay khiến người khác khó hiểu – những người được phép quan tâm đến việc xem xét các đóng góp của bạn, là vi phạm quy định.

Các tài khoản "tay trắng tay đen"

  • Dùng một tài khoản "tay trắng" để đóng góp tích cực một tài khoản "tay đen" để phá rối hoặc ngụy tạo sự tranh cãi là không được phép.
  • Các bảo quản viên cũng bị cấm sử dụng một tài khoản "tay đen" để tham gia các tranh chấp soạn thảo trong khi cùng lúc đó ra vẻ một quản lý trung lập khi thực hiện khóa bài hoặc xử lý tình huống ba lần hồi sửa tại chính các bài đó.

Dùng IP nhằm đánh lạc hướng

Sửa đổi bằng nhiều địa chỉ IP, hoặc sửa đổi bằng cả tài khoản lẫn IP có thể được coi như sửa đổi bằng nhiều tài khoản, dùng cho mục đích đánh lừa người khác. Nếu bạn bị đăng xuất ngoài ý muốn, bạn có thể liên lạc với một kiểm định viên để đảm bảo không bị hiểu lầm.

Lạm dụng quyền làm lại từ đầu

Chuyển sang dùng một tài khoản khác hoặc che giấu việc làm lại từ đầu nhằm tránh bị xét nét được coi là vi phạm quy định này. Xem Wikipedia:Làm lại từ đầu.

Tài khoản con rối với quyền quản lý

Cộng đồng đã phản đối mạnh mẽ những người dùng có nhiều hơn một tài khoản với quyền quản lý. Nếu một quản lý rời Wikipedia, rồi trở lại với một cái tên mới và lại được bầu làm quản lý, người này cần từ bỏ quyền quản lý của tài khoản cũ (điều này có thể được thực hiện đối với tài khoản cũ mà không để lộ mối liên quan giữa các tài khoản cũ và mới). Nói chung, một người chỉ được sử dụng một tài khoản với quyền lớn hơn quyền của một tài khoản bình thường.

Các đặc điểm của tài khoản con rối

Không có gì ngạc nhiên, các tài khoản con rối thường thể hiện sự thành thạo đối với Wikipedia hơn hầu hết những người mới đến. Họ biết cách tóm lược sửa đổi, lập tức tham gia các cuộc bút chiến đang diễn ra, hoặc nhanh chóng tham gia các quy trình như Biểu quyết xóa bài hoặc Biểu quyết chọn bảo quản viên. Họ cũng có thể là tài khoản hoàn toàn mới hoặc một tài khoản cho một mục đích, khi ta xem xét lịch sử sửa đổi của họ.